Bạn có biết ước tính trung bình mỗi người ăn phải khoảng 5g nhựa mỗi tuần, tương đương với một chiếc thẻ tín dụng. Lượng nhựa được cơ người hấp thu này thường tồn tại dưới dạng hạt vi nhựa có trong thực phẩm, nước uống hàng ngày. Đây là một số liệu đáng báo động đối với sức khỏe con người và cả môi trường sống xung quanh.
Hạt vi nhựa là gì? Tại sao chúng ta ăn phải?
Hạt nhựa (Microplasma – với kích thước nhỏ hơn 5 mm) và hạt vi nhựa (Nanoplasma – kích thước nhỏ hơn hạt nhựa 1.000 lần) đã được các nhà khoa học tìm thấy trong ruột và phân của loài người (công bố năm 2018).
Các hạt nhựa này đến từ hai nguồn chính: Các sản phẩm được sản xuất có chứa hạt hoặc bột nhựa như: kem đánh răng, chất tẩy rửa, kem chống nắng,… Thứ hai là từ các mảnh nhựa lớn thông qua sự bức xạ tia cực tím, mài mòn cơ học và thay đổi sinh hóa của môi trường. Các hạt nhựa được phát hiện trong môi trường như sông ngòi, nước biển và thậm chí là muối ăn.
Với nhu cầu sử dụng nhựa ngày càng tăng, môi trường đang gặp phải tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Ước tính có khoảng 8,8 triệu tấn chất thải nhựa được thải vào đại dương mỗi năm và 276.000 tấn nhựa hiện đang trôi nổi. Các mảnh nhựa thường bị cá và các sinh vật ăn phải. Do đó, Hải sản là nguồn thực phẩm chứa hạt vi nhựa phổ biến nhất.
Hạt vi nhựa có hại tới sức khỏe con người không?
Tác động cụ thể của hạt vi nhựa như thế nào đến sức khỏe loài người hiện còn đang được nghiên cứu, và chúng ta đã phải đối diện với vấn đề toàn cầu này – chất thải nhựa và sức khỏe loài người. Tuy nhiên, đã có báo cáo về sự tích tụ hạt vi nhựa ở thận, gan, ruột của chuột và phát hiện hạt vi nhựa trong bào thai người. Hạt vi nhựa tích lũy trong gan, thận và ruột làm tăng mức độ các chất oxy hóa trong gan. Chúng cũng khiến các phân tử gây độc cho não tăng lên.
Bên cạnh đó, trong hạt vi nhựa còn có nhiều thành phần khác gây hại đến sức khỏe như các kim loại nặng, bisphenol A (BPA) có khả năng nhiễm vào thực phẩm. Chúng ảnh hưởng tới hệ thống nội tiết và khả năng sinh sản, đặc biệt là nữ giới.
Dù chưa có kết luận chính thức về tác hại của hại vi nhựa lên sức khỏe con người thì chúng ta cũng nên hạn chế tối đa khả năng tiếp xúc và hấp thu, như tránh dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần, tái sử dụng đồ nhựa một cách khoa học và tiêu thụ những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Nguồn: Tổng hợp