Để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, đồng thời giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu thì điện khí hóa và giảm phát thải là ưu tiên toàn cầu trong năm 2023.
Tư nhân và chính phủ sẽ hợp tác để đạt được cả hai mục tiêu: tăng cường khả năng tiếp cận điện và giảm phát thải trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải và công nghiệp.
Điện khí hóa
Khả năng tiếp cận nguồn điện ổn định, vừa túi tiền và bền vững là ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, gần 775 triệu người không có điện để sử dụng, và nhu cầu sử dụng tăng mạnh đang đặt ra nhiều câu hỏi về mức độ an toàn của nguồn cung điện.
Nhiều quốc gia đang đối mặt với thách thức về năng lượng. Nhu cầu sử dụng điện được dự báo sẽ tăng trưởng 15-20% mỗi năm tới 2030. Và đồng thời, vẫn phải đáp ứng các mục tiêu về lượng phát thải nhà kính và khí thải cacbon.
Trước tiên, điều cốt lõi là khả năng tiếp cận điện của các quốc gia phải là quyền lợi phát triển bền vững, và cần thiết lập một lộ trình điện khí hóa phù hợp như: xây dựng mạng lưới phân phối hiện đại, hệ thống điện kết hợp với dự trữ năng lượng.
Ở những khu vực khác trên thế giới, vấn đề không chỉ là khả năng phục hồi của lưới điện mà là phải xây dựng lưới trước. Những lưới điện mới này có thể trang bị những hệ thống số hóa và phục hồi đẳng cấp thế giới, vượt trội hơn so với hạ tầng truyền tải và phân phối cũ.
Giảm phát thải
Việc xây dựng một hệ thống lưới điện hiện đại sẽ tạo điều kiện để đạt được ưu tiên thứ hai: tiến bộ trong các mục tiêu giảm phát thải. Việt Nam, cũng như Mỹ và nhiều quốc gia khác, đang đặt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Những tiến bộ giảm phát thải trong ngắn hạn phụ thuộc vào việc đầu tư một danh mục năng lượng tái tạo, điện khí hiệu suất cao và điện hạt nhân tiên tiến để vừa giảm khí thải vừa tăng sản lượng điện. Đồng thời tăng cường hỗ trợ cho điện hạt nhân và thủy điện, vừa tạo điều kiện sản xuất điện vừa giảm phát thải khí nhà kính, tất cả công nghệ này đều đóng góp vào ưu tiên khử carbon.
Đối với những quốc gia như Việt Nam, thách thức còn bao gồm việc phải có đủ nguồn điện dự trữ để hòa lưới năng lượng tái tạo trên diện rộng cũng như phát triển công suất truyền tải – chỉ số chưa bắt kịp được với các nguồn điện tái tạo.
Thế giới đã bước vào năm thứ ba trong “thập kỷ hành động” để đối phó với biến đổi khí hậu, củng cố yêu cầu tiến bộ cấp thiết. Để thúc đẩy các mục tiêu điện khí hóa và giảm phát thải, việc chuyển đổi từ thảo luận lý thuyết sang hành động thực tiễn là điều cần thiết.
Theo Doanhnhansaigon.vn