Thuốc kháng sinh là một trong những phát minh vĩ đại, giúp cứu sống hàng triệu người mỗi năm khỏi các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh – cực kì nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
Mới đây, các nhà khoa học tại Học viện Karolinska (Thụy Điển) đã phát hiện dư lượng kháng sinh trong các nhà máy xử lý nước thải tại nhiều nơi ở châu Á. Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet Planetary Health.
Nghiên cứu tổng hợp dữ liệu từ gần 250 báo cáo từ khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á (theo phân chia của Tổ chức Y tế Thế giới), trải dài từ năm 2006 đến 2019. Trong khu vực có Trung Quốc và Ấn Độ – 2 trong số những quốc gia sản xuất và tiêu thụ kháng sinh hàng đầu thế giới.
Kết quả đã phát hiện 92 loại kháng sinh trong nguồn nước tại khu vực Tây Thái Bình Dương và 45 loại kháng sinh ở Đông Nam Á. Nồng độ kháng sinh vượt ngưỡng an toàn được ghi nhận tại nước thải, tại các nhà máy xử lý nước thải, vào đi vào môi trường nước. Dư lượng kháng sinh đến từ nhiều nguồn: Bệnh viện, khu dân cư, khu chăn nuôi, nhà máy dược phẩm.
Khi đi vào nguồn nước, dư lượng kháng sinh là mối đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe. Vi khuẩn ở môi trường này có thể phát triển khả năng kháng thuốc nguy hiểm, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng không thể điều trị ở cả vật nuôi lẫn con người.
Trong nguồn nước uống ở Trung Quốc và khu vực Tây Thái Bình Dương, nhóm nghiên cứu phát hiện nồng độ cao kháng sinh ciprofloxacin, vượt ngưỡng an toàn. Dư lượng kháng sinh trong nước thải cũng như nguồn nước uống có thể góp phần làm lan rộng tình trạng kháng kháng sinh nguy hiểm này.
Kết quả này có thể giúp các nhà hoạch định chính sách tìm giải pháp giảm dư lượng kháng sinh hiệu quả hơn, đặc biệt tại những quốc gia nghèo tài nguyên nhưng lại sản xuất lượng lớn kháng sinh.
Theo Tạp chí Sức khỏe +