Nỗ lực hành động giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa

Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa ngày một trở nên nghiêm trọng, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái tự nhiên và sức khỏe con người.

Hiện nay, nhận thức được tầm quan trọng về các mối nguy cơ của chất thải nhựa, Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế và có hành động cụ thể ở phạm vi quốc gia.

Đặc biệt, Việt Nam đã cùng với các quốc gia trên thế giới thông qua Nghị quyết 5/14 tại Hội nghị đại hội đồng môi trường toàn cầu lần 2 (UNEA5.2), thống nhất việc xây dựng một “Công cụ toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý về chấm dứt ô nhiễm nhựa, bao gồm rác thải nhựa đại dương”.

no-luc-hanh-dong-giai-quyet-o-nhiem-rac-thai-nhua-2

Tại nhiều diễn đàn quốc tế, Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu để giải quyết rác thải nhựa. Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; chú trọng giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái chế, tái sử dụng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Theo Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, mục tiêu đến năm 2025, 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị cho mục đích sinh hoạt được thay thế cho túi nilon khó phân hủy; tỉ lệ thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.

Bên cạnh đó, các thách thức về ô nhiễm nhựa sẽ gặp khó khăn nếu không có sự tham gia của các doanh nghiệp. Những cam kết giảm thiểu lượng rác thải nhựa của doanh nghiệp vừa giúp nâng cao uy tín thương hiệu, thể hiện trách nhiệm, đồng thời mở ra một ngành kinh tế mới phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về nhựa. Doanh nghiệp là động lực và hạt nhân của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo Thỏa thuận là cần thiết để đảm bảo rằng, rác thải nhựa sẽ được giảm thiểu tối đa.

Phát biểu tại cầu truyền hình trực tiếp “Khát vọng Đại dương xanh”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần khẩn trương thiết lập và triển khai cơ chế hợp tác khu vực, toàn cầu, chia sẻ dữ liệu, củng cố, hoàn thiện chính sách về bảo tồn các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên biển bền vững một cách thực chất, hiệu quả, đi đôi với bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển.

Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tham gia đàm phán và thành lập Ban công tác đàm phán để chính thức tham gia đàm phán Thỏa thuận từ tháng 6/2022 đến hết năm 2024. Bộ TN&MT dự kiến là cơ quan chủ trì đàm phán Thỏa thuận. Nội dung của Thỏa thuận dự kiến sẽ có 2 nhóm, gồm các nghĩa vụ mang tính bắt buộc và các nghĩa vụ có tính tự nguyện. Việc điều chỉnh chính sách theo các nghĩa vụ đã cam kết khi Thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực, cả bắt buộc và tự nguyện đều sẽ có những tác động, ảnh hưởng ở mức độ khác nhau đến một số đối tượng cụ thể, đặc biệt là khối tư nhân.

Sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *