Ô nhiễm không khí và những đô thị ngột ngạt trong khói bụi

Nếu không sớm thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện, ô nhiễm không khí sẽ để lại hệ lụy lâu dài như tuổi thọ giảm, gánh nặng về y tế, kinh tế – xã hội…

VN thiệt hại hơn 10 tỷ đô la vì ô nhiễm mỗi năm

Theo thống kê của WHO, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí như các bệnh về tim, phổi và đột quỵ. Hàng ngày có khoảng 93% trẻ em trên thế giới dưới 15 tuổi (tương đương với 1,8 tỷ em) phải hít thở bầu không khí ô nhiễm khiến cho sức khỏe và sự phát triển của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Năm 2013, Liên Hợp Quốc đã xếp bụi mịn PM2.5 vào danh sách tác nhân gây ung thư. Tác động của nó gấp 3 lần so với việc hút thuốc lá, và 6 lần đối với HIV/AIDS.

Mùa Thu – Đông tại Hà Nội và 1 số địa phương những năm gần đây, chất lượng không khí ô nhiễm ở mức nghiêm trọng. Tại môt số thời điểm, chất lượng không khí vượt ngưỡng 300 theo chỉ số AQI (rất nguy hại).

o-nhiem-khong-khi-va-nhung-do-thi-ngot-ngat-trong-khoi-bui-2
Tình trạng ô nhiễm không khí góp phần gia các bệnh lý hô hấp ở trẻ em

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), ô nhiễm không khí gây thiệt hại về kinh tế cho Việt Nam ở khoảng 10 tỷ USD mỗi năm (chiếm từ 5 – 7% GDP). Chỉ tính riêng Hà Nội, quy đổi tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.

Ô nhiễm môi trường không khí gây ra những tác động trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Mỗi năm nước ta ghi nhận hơn 20.000 người mắc bệnh ung thư phổi, trong đó có đến 17.000 người đã tử vong. Năm 2018 có tới 71.000 người tử vong liên quan đến ô nhiễm môi trường trong đó có khoảng 50.000 người chết liên quan đến ô nhiễm không khí.

Trong hơn 20 năm qua, ô nhiễm không khí tại Việt Nam luôn tăng và có thể nhận thấy xu hướng sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Số người tử vong do ô nhiễm không khí có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí cao hơn so với hiện nay vào năm 2035.

Phát triển công nghiệp và sức ép không nhỏ lên môi trường

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí, điển hình là việc đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa. Với 20% lượng rơm rạ bị đốt trên địa bàn Thành phố, Sở TN&MT Hà Nội nhận định sẽ phát sinh 179 tấn bụi PM10, 163 tấn bụi mịn PM2.5 và 23.000 tấn CO2. Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng.

Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp. Tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong thành phố cao hơn vùng nông thôn.Các công trình xây dựng, khu công nghiệp, nhà máy càng mọc lên không ngừng. Những vật liệu như xi măng, đất, cát, phế liệu, khí thải… đặc biệt ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người dân chưa tốt.

Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, phát triển công nghiệp và sức ép lên môi trường. Giai đoạn 2016 – 2020, sản xuất công nghiệp chiếm hơn 30% GDP quốc gia, liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 8,2% năm. Việc tăng nhanh các dự án đầu tư nước ngoài tại khu công nghiệp tiềm ẩn khả năng gây ô nhiễm môi trường. Vẫn còn khoảng 60% số cụm công nghiệp đang hoạt động chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa có các biện pháp bảo vệ môi trường, đặt ra nhiều thách thức trong thời gian tới.

o-nhiem-khong-khi-va-nhung-do-thi-ngot-ngat-trong-khoi-bui-3
Nhà máy xả thải ô nhiễm tại các thành phố lớn

Cùng với công nghiệp hóa và đô thị hóa, ngành giao thông vận tải ở nước cũng đã phát triển rất nhanh chóng, gây ra nguồn thải ô nhiễm nhiễm không khí rất lớn, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí đô thị. 

Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, sẽ phát sinh nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan làm cho ô nhiễm càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, gia tăng bệnh dịch và rủi ro về sức khỏe cộng đồng.

Công tác quản lý và kiểm soát các nguồn ô nhiễm không khí bộc lộ rất nhiều yếu kém, bất cập như: Văn bản pháp luật về quản lý môi trường không khí chưa hoàn thiện; chưa có luật không khí sạch; công nghệ sản xuất của nhiều ngành công nghiệp lạc hậu; nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường không khí hạn chế; quản lý nguồn thải ô nhiễm không khí chưa đáp ứng yêu cầu;

Áp dụng tình trạng khẩn cấp nếu ô nhiễm môi trường ở mức nghiêm trọng

Trước thực trạng không khí bị ô nhiễm và các chỉ số đang ở mức báo động như hiện nay, TS Hoàng Dương Tùng đưa ra một số giải pháp. Trong đó, kiểm soát phát thải khí thải từ ô tô, xe máy, tăng cường các phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu sạch, Đây là một giải pháp lâu dài cho việc giảm thiểu ô nhiễm không khí.

o-nhiem-khong-khi-va-nhung-do-thi-ngot-ngat-trong-khoi-bui-4
Xe điện là một giải pháp tiềm năng cho thực trạng ô nhiễm khói bụi

Ngoài ra, người dân được khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng hơn như xe bus, xe điện thường xuyên hơn. Và cần phải kiểm soát tốt việc đốt rác, che chắn kín những công trình xây dựng và kiểm soát thật chặt quá trình sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần hoàn thiện hệ thống chính sách và các quy định pháp luật để quản lý chất lượng môi trường không khí; nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy quản lý môi trường không khí ở Trung ương và các địa phương; tăng cường kiểm soát, kiểm tra nguồn thải từ các phương tiện giao thông cơ giới.

Nguồn thải ô nhiễm bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ; thu gom, vận chuyển và xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh 100% rác thải của đô thị; áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý bụi phát sinh từ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp ở bên trong và xung quanh các khu vực đô thị.

Theo VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *