Công ty khởi nghiệp (start-up) của Australia Good-Edi mới đây đã đưa ra thị trường một loại cốc có thể ăn được nhằm thay thế cho những chiếc cốc giấy PE truyền thống được sử dụng phổ biến ở các quán cà phê.
Sản phẩm mới này có thể tự phân hủy và được kỳ vọng sẽ giúp cắt giảm công đoạn xử lý rác thải, như chôn lấp hay đốt cháy, đối với các loại cốc dùng một lần.
Một vài người đã dùng thử cốc của Good-Edi và cho rằng chúng có vị giống như bánh quy lúa mỳ không đường. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu những người uống càphê có muốn ăn một chiếc cốc nếu như họ không coi đây là một món ăn hay không?
Good-Edi cho rằng mục đích chính của công ty là giúp đảm bảo tính bền vững, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn so với các loại cốc giấy tráng nhựa, ngay cả khi khách hàng của họ không ăn những chiếc cốc mới này.
Công ty trên cho biết các sản phẩm của họ có thể tự phân hủy sau 2-6 tuần. Theo phân tích của Good-Edi, với nguyên vật liệu từ trong nước, việc sản xuất ra mỗi chiếc cốc này chỉ sinh ra 80 gram CO2 trong suốt vòng đời của nó, thấp hơn 27% so với 110 gram CO2 sản sinh ra trong quá trình sản xuất một chiếc cốc giấy vốn được nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo Môi trường & Đô thị