Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững. Ở ngành dệt may – da giày, vấn đề xanh hóa đã được doanh nghiệp ngành này đặc biệt quan tâm trong những năm qua.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam từ năm 2017 đã thành lập Ủy ban Phát triển bền vững và có những tác động rõ rệt tới các doanh nghiệp trong ngành. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã triển khai chương trình xanh hóa như thay thế lò hơi đốt than, đốt dầu bằng lò hơi điện, lắp đặt điện mặt trời áp mái, xử lý nước cũng như tái sử dụng nước thải… song số lượng rất khó có thể đong đếm do sự thiếu đồng đều giữa các doanh nghiệp. Rào cản chính là nguồn đầu tư lớn và thiếu chính sách khuyến khích, hỗ trợ đi kèm.
Liên minh châu Âu (EU) đưa ra yêu cầu với những mặt hàng dệt may: ngay từ khâu thiết kế phải đảm bảo là thiết kế sinh thái và quá trình sản xuất cũng như tiêu dùng phải đảm bảo là tiêu dùng bền vững. Sản xuất tiêu dùng nhanh sẽ được thay thế bằng sản xuất tiêu dùng bền vững. Sản phẩm có khả năng tái chế lại và tái sử dụng để đảm bảo ít gây ô nhiễm môi trường.
Các quy chuẩn này sẽ ngày càng cao dựa trên mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp về trách nhiệm đối với người lao động, môi trường, xã hội và người tiêu dùng. Các quy chuẩn này sẽ không cố định mà liên tục thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt thích ứng.
“Xanh hóa” để tăng xuất khẩu là điều nhiều doanh nghiệp ngành dệt may hướng đến, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, nhu cầu về vốn rất lớn, doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất sạch, tuần hoàn phải có đủ tiềm lực về tài chính để thực hiện. Cuối cùng là về con người, đào tạo nhân lực để đáp ứng yêu cầu “xanh hóa” của doanh nghiệp vẫn còn yếu. Do vậy, doanh nghiệp cần nắm rõ thế mạnh của mình để chủ động chuyển đổi sản xuất, phát huy nội tại, tận dụng cơ hội đổi mới hoạt động kinh doanh dựa trên những lợi thế cũng như khó khăn cần khắc phục.
Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, ngành dệt may hy vọng Nhà nước có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, bao gồm quy hoạch tổng thể, phân bổ thu hút đầu tư, các quỹ khuyến khích xuất khẩu, hỗ trợ tài chính… để giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Nguồn: Doanhnghiephoinhap.vn